Quy trình chế biến sứa ăn liền

(28-11-2019)

Tỉnh Nam Định có khoảng 72km bờ biển, trải dài trên 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Hàng năm, bên cạnh các loại hải sản khác, sản lượng sứa biển tươi khai thác toàn tỉnh khá lớn, khoảng 15 đến 18 nghìn tấn. Tuy nhiên, trước đây, việc xuất bán sứa lại chỉ chủ yếu ở dạng thô, giá thành thấp.

 

Để góp phần nâng cao hiệu quả cho nghề chế biến sứa, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh áp dụng thành công công nghệ chế biến sứa ăn liền. Sản phẩm này cũng đã giúp cho những người dân nơi đây tự tạo ra hướng đi mới cho ngành chế biến sứa tỉnh nhà.

Sứa ăn liền có vị mặn đặc trưng.

Sứa ăn liền có vị mặn đặc trưng.

Cụ thể, từ loại sứa mặn được ngâm trong muối với 23-24 độ mặn để ngăn vi khuẩn xâm nhập chuyển sang chế biến sứa ăn liền chỉ thêm một phần công đoạn là ngâm nước để làm giảm độ mặn, chế biến thêm nước gia vị, đóng gói và bảo quản lạnh.

Thông thường, mùa đánh bắt sứa khá ngắn, bắt đầu từ tháng Giêng cho đến cuối tháng 3 âm lịch trong năm. Chính vì vậy, để có đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến trong những tháng còn lại, các cơ sở phải đầu tư hệ thống thiết bị, làm bể chứa sứa ướp muối quy mô lớn,...Đồng thời cải tiến, thay đổi quy trình chế biến theo phương pháp khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sứa nguyên liệu dùng để sản xuất sứa ăn liền phải tươi, trắng, sạch sẽ, không lẫn tạp chất và đã được loại bỏ hết nội tạng, gai, tẩy sạch nhớt và ngâm kỹ. Sau đó, sứa được xử lý nhiệt rồi đưa vào chế biến với muối và phèn cùng các loại gia vị, tiếp đó là đóng túi thành phẩm.

Sản phẩm sứa ăn liền đạt tiêu chuẩn phải sạch váng, nhớt bám, có mùi vị tự nhiên của sứa ướp muối phèn. Đồng thời, sợi sứa phải giòn, không nhũn nát, không lẫn tạp chất lạ, không có mùi khai, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu như trước đây, sứa ở Nam Định chủ yếu chỉ xuất khẩu ở dạng thô, giá cả thấp, thì sản phẩm sứa ăn liền qua chế biến đã có giá cao gấp nhiều lần. Cụ thể, so với giá bán sứa thô đi thị trường Trung Quốc chỉ khoảng 7.000kg thì sau khi chế biến, sản phẩm đã có giá thành lên tới 30.000-35.000 đồng (tính theo giá thị trường năm 2018).

Ngoài ra, sứa biển không chỉ mang lại kinh tế cho ngư dân đi đánh bắt mà còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ cho bà con trong vùng. Cụ thể, công việc sơ chế sứa như: cắt nhỏ sứa, thái sứa nguyên liệu, đổ sứa vào bồn ngâm muối... có thể mang lại cho bà con khoản thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/người/ngày.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thời điểm năm 2018, toàn tỉnh Nam Định có hơn 30 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sứa đã đăng ký kiểm tra thường kỳ. Trong đó có 27 cơ sở được Chi cục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ được tiêu thụ tại Hà Nội, Nam Định, một số tỉnh miền Bắc, sản phẩm sứa ăn liền của Nam Định còn được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.