Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra

(10-06-2020)
Là sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng, tuy nhiên, hiện cá tra vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng miền Bắc biết đến. Các chuyên gia cho rằng, cùng với hoạt động xúc tiến, thì việc nghiên cứu thị hiếu, ẩm thực người tiêu dùng là yếu tố quan trọng.

Chiều nay (9/6), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra”. Sự kiện mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020 nhằm giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%...

Theo dự báo, từ quý III/2020 ngành hàng cá tra mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay, giải pháp cần tập trung là vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu; trong đó chú trọng việc củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới; nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao...

Do đó, sự kiện kết nối "Sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm ca tra" mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020 nhằm đồng hành với các doanh nghiệp sớm vượt qua được những khó khăn, thách thức từ sự tác động của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường – cho rằng, muốn mở rộng sản xuất và giữ ổn định giá cả cho cá tra thì bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung phát triển thị trường trong nước là yếu tố quan trọng. “Khai mở thị trường trong nước sẽ đạt được mục tiêu kép, giảm áp lực xuất khẩu từ đó tăng giá xuất khẩu ngược trở lại, bên cạnh đó, khai thác thị trường gần 100 triệu dân góp phần mở rộng sản lượng sản xuất. Ngoài ra, tạo thị trường sản phẩm đa dạng cho người dân lựa chọn”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Trên thực tế, sự kiện đưa cá tra đến quảng bá, tiêu thụ tại thị trường miền Bắc không phải là lần đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Câu hỏi đặt ra vì sao người tiêu dùng miền Bắc vẫn chưa biến đến nhiều tới sản phẩm cá tra.

Các chuyên gia cho rằng, cùng với hoạt động xúc tiến, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cũng cần nghiên cứu thị hiếu, ẩm thực người miền Bắc. Bên cạnh việc tuân thủ theo quy chuẩn tiêu chuẩn, thì cần nghiên cứu để có thể nuôi được con cá tra có độ dai, độ săn chắc phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Việc “bắt tay” giữa doanh nghiệp sản xuất và kênh phân phối mới chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo là phải thuyết phục được người tiêu dùng với sản phẩm chất lượng, sạch, giá cả phải chăng và trở thành “gu” tiêu dùng của họ.

Cùng với việc khơi thông thị trường đầu ra cho cá tra, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người nuôi cá tra cần nỗ lực đẩy mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi trồng thủy sản và chất lượng vật tư đầu vào; khuyến khích phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng nguồn hàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ; đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, có kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản. Tìm kiếm thị trưởng mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính và xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ ký kết kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị, gồm: công ty IDI và Big C (Central Group); Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt; Công ty Xuyên Việt và Big C (Central Group); Công ty Hùng Cá và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh...

Nguyễn Hạnh