Nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam

(06-10-2020)

Nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Sở Công Thương vừa khai trương điểm bán hàng Việt Nam cố định tại số 497 Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định. Điểm bán hàng Việt Nam là một trong những kênh quan trọng trong việc phân phối, đưa hàng Việt trực tiếp đến người tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước với hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững.

Với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, điểm bán hàng Việt đầu tiên tại tỉnh ta được Sở Công Thương đưa vào phục vụ nhân dân với các tiêu chí cơ bản như: Hàng hóa được bày bán tại điểm bán hàng Việt Nam phải đạt 100% là hàng hóa sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm… Tại điểm bán hàng Việt do Sở Công Thương tổ chức đã có gần 1.000 mặt hàng là nông, lâm, thủy, hải sản; hàng công nghệ phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh sản xuất, đảm bảo các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, có trên 70% sản phẩm là hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, có những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP nổi tiếng như: Gạo sạch Toản Xuân, nước mắm Ninh Cơ, Lâm Bão, muối sạch, muối dược liệu, thủy hải sản Hùng Vương, nông sản sấy khô Minh Dương, rau tươi Nam Cường, Ngọc Anh, nấm ăn, nấm dược liệu Linh Phát…

Là một trong những điểm bán hàng Việt được xây dựng đầu tiên của tỉnh trên địa bàn thành phố Nam Định, chị Hải Yến, cửa hàng trưởng cho biết: Tôi rất vui khi được Sở Công Thương lựa chọn hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam. Ngoài việc được hỗ trợ hệ thống quầy hàng, kệ hàng, thiết bị bảo quản hàng hóa, đèn chiếu sáng, hệ thống biển hiệu quảng cáo theo mẫu quy định, cửa hàng do tôi quản lý còn được thông tin, giới thiệu trên Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, trang thông tin điện tử của ngành Công Thương. Điều quan trọng là tôi còn được tư vấn nhiều kỹ năng liên quan đến việc thực thi những quy định của pháp luật đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm; quản lý hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm và giao dịch thương mại. Sau một thời gian ngắn khai trương, điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm, tạo hiệu ứng tốt trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng có chất lượng cao sản xuất trong nước. Bà Chu Thị Quỳnh, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) đến tham quan mua sắm rau củ tại điểm bán hàng Việt Nam do Sở Công Thương tổ chức cho biết: Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, thật tốt khi có điểm bán hàng Việt Nam được bảo đảm về chất lượng do Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh tổ chức cung ứng. Hàng hóa ở đây phong phú, tươi ngon, chế độ bảo quản tốt và phong cách giao dịch văn minh lịch sự… Tôi sẽ trở thành khách hàng trung thành của điểm bán hàng Việt Nam và tuyên truyền để các chị em trong khu vực tôi sinh sống cùng tới đây mua sắm hàng hóa.

Điểm bán hàng Việt cố định được đưa vào khai thác đã khắc phục những hạn chế trước đây khi hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững và người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng tốt với hàng hóa gắn mác Việt bán trôi nổi trên thị trường. Ở điểm bán hàng Việt, ngoài việc bày bán các mặt hàng tạp hóa thiết yếu, các cửa hàng còn có cả những đặc sản nổi tiếng của các vùng miền trên cả nước như: đường Quảng Ngãi, cam xoàn Lai Vung, dừa sáp Bến Tre, chè khô Thái Nguyên, nấm, mật ong rừng Tây Bắc... Qua đó, góp phần phát triển hệ thống phân phối, quảng bá các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của các địa phương, vùng miền tới du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, đây cũng là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm khách hàng để liên kết, hợp tác kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam bền vững. Bà Bùi Minh Thúy, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Sở Công Thương) cho biết: Ngay khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương về xây dựng các điểm bán hàng Việt, Sở Công Thương đã có công văn tới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh kêu gọi đăng ký tham gia; tiến hành khảo sát, điều tra thực tế về cơ sở vật chất, nhu cầu tiêu thụ, trong đó, tập trung khảo sát ở khu vực tập trung dân cư. Theo hướng dẫn của ngành chức năng, điểm bán hàng được chọn xây dựng phải đáp ứng đủ các tiêu chí: diện tích tối thiểu của cửa hàng đạt 60m2 trở lên; hàng hóa được trưng bày theo kiểu cửa hàng tiện ích, phân theo từng loại hàng, nhóm hàng đảm bảo các yêu cầu về thuận tiện, văn minh, có biển hiệu (theo ma-két hướng dẫn của Bộ Công Thương). Nếu điểm bán hàng Việt được đặt trong siêu thị, hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp có quy mô lớn thì phải được bố trí thành khu riêng biệt để dễ nhận biết. Hàng hóa kinh doanh trong điểm bán hàng phải là 100% hàng hóa được sản xuất trong nước, đảm bảo đúng, đầy đủ điều kiện đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật và phải kinh doanh tối thiểu từ 10 mặt hàng trở lên. 

Phát huy hiệu quả của điểm bán hàng Việt Nam, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục xây dựng nhiều điểm bán hàng Việt Nam cố định tại thành phố và khu vực nông thôn. Để hoàn thành mục tiêu và đảm bảo các tiêu chí mà Bộ Công Thương đề ra, cần sự quan tâm vào cuộc của các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Đồng thời, tập trung tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa quan trọng của mô hình điểm bán hàng Việt Nam tới các cơ sở kinh doanh cũng như người tiêu dùng trên toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương