Huyện Ý Yên (Nam Định): Tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề

(28-11-2019)
Huyện Ý Yên có 27 làng nghề truyền thống ở 18 xã, thị trấn với hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá, đúc đồng Thị trấn Lâm; nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên, mây tre đan xuất khẩu ở Yên Tiến, nghề may ở xã Yên Trị... Các làng nghề ngày càng mở rộng ra các xã lân cận, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Việc hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ để quảng bá sản phẩm làng nghề là một giải pháp có hiệu quả góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển.

Sản phẩm làng nghề huyện Ý Yên rất tinh xảo, có uy tín trên thị trường song việc kinh doanh, quảng bá còn nhỏ lẻ, manh mún theo hộ sản xuất “mạnh ai nấy làm” nên hạn chế việc tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết người làm nghề đều có tư tưởng truyền thống hàng trăm năm của làng nghề đã là sự quảng bá sản phẩm hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tuổi đời làng nghề không thể thay cho quảng cáo. Đơn cử như nghề làm trống da trâu ở xã Yên Xá đã trải qua gần 300 năm. Trước đây, dòng họ làm trống Nguyễn Văn làng Tống Xá được khách hàng gần xa tin tưởng đặt hàng với đủ loại như: trống chèo, trống trường, trống trung thu, trống con, trống cái, trống chùa, trống cơm; từ loại có đường kính bé 10cm, 20cm, 30cm đến lớn nhất là 1,3m-1,5m bởi chất lượng sản phẩm không thua kém gì trống của làng nghề Đọi Sơn (Hà Nam). Mỗi năm, hàng trăm chiếc trống các loại được đưa ra thị trường, mang lại đời sống vật chất ấm no cho người dân nơi đây. Nhưng đến nay, qua bao thăng trầm, làng nghề làm trống Tống Xá đang bị mai một, thương hiệu này chỉ còn rất ít người biết đến bởi làng nghề hầu như không có kênh quảng bá sản phẩm. Cũng như sản phẩm trống của Yên Xá, nghề thêu ren ở các xã: Yên Trung, Yên Nhân cũng “ngậm ngùi” không kém. Ngược lại nhiều làng nghề khác phát triển mạnh mẽ, trong đó có nguyên nhân từ việc tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Như làng nghề đúc đồng ở Yên Xá và Thị trấn Lâm hay nghề mộc mỹ nghệ Yên Ninh, rượu nếp Yên Phú đều gắn hỗ trợ phát triển thương hiệu thông qua việc xây dựng nhãn hiệu tập thể; quảng bá tại các hội chợ thương mại. 

Xác định rõ những nguyên nhân hạn chế trong phát triển làng nghề của địa phương, huyện Ý Yên đã quyết định xây dựng các mô hình trung tâm thương mại - dịch vụ để hỗ trợ người dân quảng bá tiêu thụ sản phẩm làng nghề song song với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn cho các cơ sở ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, ưu tiên cho những lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ… Trong quy hoạch đất đai UBND huyện tạo điều kiện dành vị trí thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, giới thiệu sản phẩm làng nghề phát triển dịch vụ. Khuyến khích các hộ làm nghề tổ chức khu sản xuất gắn với xây dựng các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các cụm công nghiệp để tạo thành khu trung tâm thương mại quảng bá sản phẩm làng nghề. Hiện tại trên địa bàn huyện Ý Yên đã hình thành được 2 trung tâm thương mại quảng bá sản phẩm làng nghề thuộc cụm công nghiệp phía nam Thị trấn Lâm với các sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ và khu thương mại La Xuyên, xã Yên Ninh quảng bá các sản phẩm mộc mỹ nghệ. Trong đó khu trung tâm dịch vụ - thương mại của làng nghề truyền thống đúc đồng Thị trấn Lâm với hơn 30 gian hàng tương ứng với các xưởng sản xuất nằm ngay trục đường trung tâm huyện trưng bày hàng nghìn sản phẩm của các thế hệ thợ làng nghề. Trung tâm dịch vụ - thương mại La Xuyên nằm ven Quốc lộ 10 thuộc Cụm công nghiệp Yên Ninh, với trên 100 cửa hàng của các doanh nghiệp địa phương rộng rãi, hiện đại, thu hút khách hàng khắp nơi về tham quan, mua sắm. Được trưng bày tại địa điểm có vị trí giao thông thuận tiện ngay trong làng nghề không chỉ tạo kênh giới thiệu sản phẩm hiệu quả mà còn góp phần cho làng nghề thêm sôi động, sầm uất. Cùng với việc quảng bá sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện Ý Yên cũng quan tâm phát triển Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn do Trạm Khuyến nông huyện phụ trách. Ở đây giới thiệu, cung ứng các sản phẩm của các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cũng như những nông sản đặc trưng của các địa phương trong toàn huyện như: rau sạch các loại trồng tại các vùng sản xuất sạch Yên Cường, Yên Dương, Yên Nhân; rượu nếp Yên Phú; đu đủ, chuối tiêu hồng, chuối tây, thanh long ruột đỏ trồng ở các xã Yên Trung, Yên Tân; thịt gà, thịt lợn, chim bồ câu, các loại cá truyền thống nuôi ở các trang trại, gia trại được kiểm soát về an toàn thực phẩm… 

Việc xây dựng Trung tâm dịch vụ - thương mại làng nghề đã phát huy hiệu quả tích cực thúc đẩy các làng nghề, ngành nghề sản xuất, kinh doanh không ngừng phát triển. Năm 2018, cơ cấu kinh tế của huyện Ý Yên đã chuyển dịch tích cực; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 16,98%; công nghiệp - xây dựng chiếm 61,35%; thương mại - dịch vụ chiếm 21,67%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 44,92 triệu đồng. Trong chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề chính, ngoài đăng ký nhãn hiệu độc quyền và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng internet, huyện Ý Yên muốn thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề giúp du khách hiểu về lịch sử làng nghề, quy trình sản xuất và những giá trị tinh túy trong từng sản phẩm làng nghề.