Xu hướng làm việc tại nhà thúc đẩy thị trường gỗ nội thất khởi sắc

(28-04-2020)

25/4/2020

Làm việc tại nhà đang trở thành xu hướng tất yếu trong mùa đại dịch. Khá nhiều dịch vụ, ngành nghề có thể “ăn theo” xu hướng này, trong đó có ngành nội thất văn phòng. Việc chuyển hướng này  giúp doanh nghiệp gỗ duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn, sẵn sàng đáp ứng thị trường khi đại dịch qua đi.

Kể từ khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, thay vì làm việc cả tuần tại công ty, rất nhiều nhân viên công sở được yêu cầu làm việc 2-3 ngày tại nhà. Tuy nhiên, họ vẫn phải tuân thủ thời gian, nội quy của công ty. Vì vậy, nhiều người buộc phải tìm mua các trang thiết bị phù hợp như ở văn phòng, để đảm bảo công việc và sức khỏe.

Nêu lý do phải mua thiết bị phù hợp, anh Nguyễn Luân (ngụ huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, nhà vốn là không gian được thiết kế để nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình nên không có các sản phẩm như làm trực tiếp tại văn phòng. Trong khoảng thời gian đầu khi làm việc ở nhà anh Luân sử dụng ghế ăn của nhà, nhưng ngồi khoảng 1-2 giờ thì cơ thể nhức mỏi, ảnh hưởng sức khỏe. Vì thế anh Luân đã tìm đến các các cửa hàng nội thất tìm và đặt ghế văn phòng phù hợp.

Theo chị Võ Thị Thanh Kiều (ngụ quận 1, TP. Hồ Chí Minh), làm việc tại nhà là xu hướng trong mùa dịch nên chị đã chuẩn bị không gian bàn ghế, dụng cụ trên bàn làm việc, gần giống như trong công việc để tạo sự hứng khởi.

Là một chuyên gia về nhân sự, qua ghi nhận và quan sát tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp Việt trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, bà Tiêu Yến Trinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Talentnet nhận xét: Rất có thể kể cả sau khi dịch kết thúc nhiều doanh nghiệp sẽ có những đánh giá hiệu quả về thời gian làm việc tại nhà và vẫn sẽ có những bộ phận tiếp tục làm theo hình thức này.

Trước sự gia tăng của hình thức làm việc tại nhà, nhiều doanh nghiệp đồ gỗ, nội thất đã nhanh chóng bắt nhịp xu hướng này. Thay vì chuyên bán sỉ, cung cấp đồ nội thất cho các cao ốc, văn phòng, thì nay đã chuyển sang bán lẻ, tăng cường giao dịch trực tuyến, đồng thời chuyển đổi dây chuyền sản xuất sản phẩm phù hợp với làm việc tại nhà, như các loại bàn, ghế nhỏ gọn, tiện lợi đa năng, các loại ghế lười, bàn cá nhân… chiếm 30% công suất nhà máy.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra những hình thức tiếp cận khách hàng mởi mẻ hơn. Ông Vũ Tiến Thập - Giám đốc Công ty Phân phối đồ gỗ D’Furni - cho biết, D’Furni đã thay đổi phương thức bán hàng bằng cách đưa thêm giá trị cho người tiêu dùng. Chẳng hạn trước đây sản phẩm đó 100 đồng thì bán 8,9 chục rồi bổ sung các dịch vụ khác như giao hàng miễn phí, tăng bảo hành/ tìm mọi cách gia tăng giá trị cho người tiêu dùng. Từ đó người tiêu dùng không coi nội thất là sản phẩm cần mua, nhưng nay thấy có lợi hơn nên sẽ tăng mua.

Đánh giá về cơ hội từ việc chuyển hướng này, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - cho biết: Phân khúc nội thất làm việc ở nhà thời gian qua đã có sự tăng trưởng rõ rệt, có thể đảm bảo công ăn, việc làm cho công nhân, đảm bảo dòng tiền luân chuyển cho doanh nghiệp trong khi thị trường xuất khẩu đang đóng băng. Không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng chuyển đổi dây chuyền sản xuất, nhưng nếu linh hoạt và nỗ lực, thì doanh nghiệp vẫn có thể đón đầu xu hướng sắp tới.

Mặc dù vậy theo ông Phương, nếu xét về số lượng có thể không nhiều nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu mẫu mã phù hợp với nhu cầu làm việc ở nhà.

Theo HAWA, thị trường đồ nội thất nội địa trị giá khoảng 4 tỷ đô la Mỹ, trong đó nội thất văn phòng chiếm khoảng 1/4. Con số này không lớn so với giá trị ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam với khoảng 10 tỷ USD, nhưng có thể là một xu hướng kinh doanh hiệu quả mà các doanh nghiệp tính đến để vượt qua khủng hoảng từ đợt đại dịch này.

Thùy Dương